You are currently viewing Top 5 bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành – “Chí Phèo”

Top 5 bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành – “Chí Phèo”

Truyện ngắn “Chí Phèo” là một trong những tác phẩm nổi tiếng và xuất sắc nhất của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo là một kiệt tác trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, một truyện ngắn có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Bên cạnh một Chí Pheo chuyên rạch mặt ăn vạ, một Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn, thì hình ảnh đầy giá trị nhân đạo và nhân văn sâu sắc khiến người đọc không bao giờ quên, đó là hình ảnh bát cháo hành. Dưới đây Top10list đã tổng hợp 7 bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Mời các bạn tham khảo nhé!

1. Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – mẫu số 1

Chí Phèo là một tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của nhà văn Nam Cao để lại cho kho tàng văn học Việt Nam. Trong xã hội thực dân phong kiến đó đã khiến những người nông dân lương thiện mất hết lương tri, đặc biệt là nhân vật Chí Phèo. Nhưng hình ảnh bát chào hành trong truyện xuất hiện như một món quà vô cùng quý giá của tác giả dành cho nhân vật, giúp cho họ có cơ hội trở về với cuộc sống đời thường.

Hình ảnh Chí Phèo hiện lên trước mắt người đọc trong phần đầu của tác phẩm là một người ngang ngược, độc ác, xấu xa. Chí cứ chìm đắm trong men say và trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến. Rồi một ngày Chí gặp thị nở, bát cháo hành của thị đã thức tỉnh lương tri đã mất từ lâu của Chí. Nếu như trước đây, Chí chỉ biết uống rượu, chửi bới, dọa nạt, cướp giật, nằm vạ… thì giờ đây khi được ăn bát cháo hành của thị Nở, hắn thấy lòng thật ấm áp. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền…? Bát cháo chỉ có một chút cháo, vài cọng hành và ba hạt muôi mà hiệu quả thật không ngờ, bát cháo hành quả là liều thuốc giải độc. Nó vừa giúp Chí Phèo thoát ra khỏi cơn Ốm sau khi say rượu vừa khơi dậy bản chất ý thức con người ở Chí. Phải chăng bát cháo hành đơn sơ chân quê đó đã được nấu bằng tất cả tấm lòng yêu thương chân thật của thị Nở? Đúng vậy, “bát cháo hành” tượng trưng cho tình cảm của thị Nở với Chí Phèo, một tình cảm dịu dàng, giản dị nhưng đong đầy ân tình, nhân nghĩa… Đó là thứ tình cảm thiêng liêng giữa con người với con người, thứ tình cảm đó có thể cảm hóa được con người, khiến họ từ bỏ những cái xấu xa để sống đúng với bản chất vốn có của một con người.

Từ khi có nhận thức đến giờ, Chí chưa từng được ai nấu cho ăn bao giờ, khi nhận được bát cháo của thị Nở, chẳng biết thị nấu ngon dở thế nào nhưng đối với hắn thì đó là bát cháo ngon nhất trong cuộc đời hắn. Chí ăn ngon lành, trong lúc đang húp bát cháo, trên nét mặt Chí hiện lên một niềm xúc động, cái thứ cảm xúc từ lâu đã không còn tồn tại trong con người hắn. Đỉnh điểm của sự xúc động ấy đã khiến Chí bật khóc. Hắn đã khóc vì “lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay nào hắn có thấy tự nhiên ai cho cái gì… Hắn đã nhìn bát cháo bốc khói mà “bâng khuâng, vừa vui vừa buồn và một cái gì nữa giống như là ăn năn… Tự bao giờ những tình cảm con người đã thức dậy trong tâm can “con vật lạ, con quỷ dữ” của làng Vũ Đại ấy. Bên cạnh Chí, thị Nở múc cháo “nhìn trộm hắn rồi lại cười toe toét. Trông thị thế mà có duyên…”. Lần đầu tiên, Chí đã biết đến cái duyên của một con người.

Hắn đã nhớ lại những kí ức xấu xa hồi xưa, khi mình phải săn sóc cho “bà ba”, hắn cảm thấy nhục hơn là thích và rồi hắn còn thấy sợ. Lúc xưa, hắn thật trong sáng và lương thiện biết bao “Vì vậy bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây thù?”. Sự quan tâm của Thị Nở thật kì diệu, chính bởi vì tình yêu thương và tấm chân tình của Thị đã đánh thức bản tính lương thiện trong Chí.

Đoạn văn tả cảnh ăn cháo của Chí khiến Chí thành con người thật đáng trân trọng. Bao ngày tăm tối của Chí giờ đã qua, Chí được trở thành một con người bình thường, được hưởng những điều kiện tối thiểu của con người. Khi thị Nở bê cháo đến bên hắn, hắn nhận bát cháo và ăn, “hắn càng ăn mồ hôi lại càng nhiều”, và tất nhiên với một người cảm gió, mồ hôi ra được nhiều là sẽ khỏi. Hắn cũng thế, đỡ khỏi bệnh. Hắn đã cảm nhận được vị ngon của cháo: “Trời ơi! Cháo mới thơm làm sao… những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo ăn rất ngon… Nhưng tại sao mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo”. “Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời… Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một tay đàn bà…” Bát cháo hàng đã nói lên tình cảm mà thị dành cho hắn, Một tình cảm ngàn vàng giữa hai con người cùng cảnh ngộ khốn cùng. Phải nói rằng tác giả đã dành rất nhiều tình cảm cho Chí, mới có thể lột tả được nội tâm của Chí chi tiết đến như vậy. Nam Cao đã cho người đọc hình dung được bản chất tốt đẹp, rất đời thường vẫn luôn thường trực trong con người Chí, nó cần có cơ hội mới có thể bộc lộ được.

Thị Nở xuất hiện đúng lúc cuộc đời Chí không còn một lối thoát, bát cháo hành của thị đến khi Chí thèm được ăn. Chính những điều này đã làm sống lại bản chất lương thiện trong con người hắn. Xây dựng lên hình ảnh thị Nở với bát cháo hành chính là tấm lòng nhân đạo của nhà văn đối với nhân vật của mình. Tác giả muốn chứng minh với người đọc rằng, những con người xấu xa, độc ác, mất hết tính người không phải do tự bản thân họ như thế mà do xã hội đã cướp mất quyền làm người của họ, đẩy họ thành quỷ dữ rồi ghét bỏ họ.

Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn "Chí Phèo" - mẫu số 1
Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – mẫu số 1

Xem thêm: Top 7 Bài Văn Tả Gấu Bông Đạt Điểm 9 10

2. Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – mẫu số 2

Chí Phèo là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945. Trong tác phẩm, hình ảnh bát cháo hành của thị Nở đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ của tình người, của sự thức tỉnh và khao khát được trở lại làm người lương thiện của Chí Phèo.

Bát cháo hành là một món ăn giản dị, bình dân, nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đời Chí Phèo. Chí Phèo là một người nông dân hiền lành, lương thiện, nhưng do bị Bá Kiến hãm hại, đẩy vào tù, Chí trở thành một con quỷ dữ, sống trong vũng bùn tội lỗi, chuyên rạch mặt ăn vạ, trở thành tay sai cho Bá Kiên, đi đòi nợ thuê cho hắn để kiếm tiền uống rượu. Trong một đêm say khướt, Chí đã gặp Thị và rồi họ quấn vào nhau. Sau khi gặp thị Nở, Chí đã được thị yêu thương, chăm sóc bằng một bát cháo hành nóng hổi, thơm ngon. Bát cháo ấy làm hắn ngạc nhiên bởi “đây là lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho”. Xưa nay nào có ai tự nhiên cho hắn cái gì, hắn chỉ có dọa người ta sợ rồi cướp lấy thôi. Nhìn bát cháo hắn cảm thấy khóe mắt ươn ướt, trong lòng thì vô cùng ấp áp.

Bát cháo hành của thị Nở không chỉ là một món ăn vật chất, mà còn là một món ăn tinh thần, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Bát cháo hành của thị Nở đã đánh thức phần lương thiện trong con người Chí Phèo, đánh thức chí sau những cơn say triền miên. Hắn không còn muốn vừa ôm chai rượu trong tay, vừa đi vừa chửi nữa. Khi được ăn bát cháo hành của thị Nở, Chí Phèo đã cảm nhận được hương vị của tình yêu, của sự quan tâm, chăm sóc. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! hắn húp một miếng cháo và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo? Hương cháo hành đã làm Chí tỉnh thức. Chí đã cảm thấy tỉnh táo, nhẹ nhõm, và khao khát được trở lại làm người lương thiện.

Bát cháo hành của thị Nở đã làm thay đổi cuộc đời Chí Phèo. Lần đầu tiên trong đời, Chí Phèo được một người đàn bà chăm sóc. Dẫu thị Nở là người xấu xí, dở hơi đến mức ma chê quỷ hờn, nhưng tấm lòng của thị khi nấu cho Chí bát cháo hành ngon lành thì không ai có thể phủ nhận. Chí dần cảm thấy được cuộc sống đơn sơ xung quanh mình có những điều tuyệt vời. Tiếng gõ cá của mái chèo, tiếng chim líu lo, tiếng người nói chuyện rôm rả… Những điều ấy luôn có mà Chí không biết đến vì say rượu. Chí nhớ lại quãng thời gian ở nhà Bá Kiến, bị bà ba sai vặt. Chí hiểu rằng bà ba chỉ ham muốn Chí chứ không yêu Chí, điều đó làm Chí khổ sở và ô uế. Hắn chưa từng được ai yêu thương, nên bát cháo hành của thị Nở khiến hắn suy ngẫm nhiều. Hắn có thể kết bạn được, tại sao lại chỉ có kẻ thù ? Dường như con người trong Chí đang dần tỉnh ngộ. Chí nhận ra rằng mình còn có cơ hội bắt đầu lại cuộc đời, hòa thuận với mọi người và thị Nở sẽ là người giúp hắn làm được điều đó.

Cuộc sống của Chí đã thay đổi nhờ bát cháo hành của thị Nở. Chí trông rất hiền lành lúc ấy. Thị Nở dù bị điên, xấu xí nhưng cũng nhận ra được điều đó. Khuôn mặt Chí có nhiều vết sẹo do tự làm xấu mình, nhưng trong đôi mắt hối hận, Chí mong muốn được trở thành người tốt. Bát cháo ấy nếu chỉ là do Chí tranh giành thì không có ý nghĩa gì. Nhưng bát cháo ấy là do thị Nở yêu thương, lương thiện nấu cho Chí, là do tác giả Nam Cao cảm thông, thương xót Chí. Người ta yêu nhau thì chăm sóc cho nhau là điều bình thường. Nhưng với Chí, điều ấy quý giá, đáng trân trọng hơn hết. Vì khi gặp thị Nở, Chí đang ở rìa vực của sự đau khổ, tuyệt vọng.

Chí không còn được ai coi là con người. Nhưng thị Nở lại không chỉ quen biết Chí mà còn yêu Chí, thương Chí bằng một tình yêu chân thành, tự nhiên. Có lẽ tình yêu là mù quáng. Nhưng không thể phủ nhận, bát cháo hành mang theo tình người cao cả. Người chưa ăn cháo hành sẽ thấy nó ngon, nhưng với Chí, nó không chỉ ngon mà còn có ý nghĩa. Nó khiến Chí tỉnh táo. Khi tỉnh, hắn cười rất hiền. Thị Nở rất vui lòng. Giờ thì cháo đã vào trong người hắn. Hắn cảm thấy lòng vui sướng. Bát cháo ấy cũng là biểu tượng của lòng thương xót và đồng cảm của nhà văn dành cho Chí Phèo, con của mình. Đồng thời đó cũng là tình cảm dành cho những người nông dân khốn khổ như Chí, sống lênh đênh dưới chế độ phong kiến ác độc, vô nhân tính. Trong xã hội ấy, họ phải tranh giành để sống, kẻ mạnh sẽ sống sót, kẻ yếu sẽ chết dần. Và khi Chí đang dần đi vào cái chết tội lỗi thì bát cháo hành của thị đã làm Chí tỉnh lại. Chí quay về, bắt đầu lại cuộc sống.

Dù sau đó, thị đã từ chối tình yêu của Chí, đã bỏ Chí trong nỗi tuyệt vọng lạnh lùng. Dù Chí lại uống rượu nhưng lần này hương cháo hành đã chiếm ưu thế trước men rượu, khiến Chí càng uống càng tỉnh. Chí tỉnh nên biết mình phải làm gì. Chí đã giết Bá Kiến rồi tự sát. Không còn anh Chí hiền hoặc con quỷ mang tên Chí Phèo nữa. Nhưng sau câu chuyện, bát cháo hành vẫn khiến người đọc suy ngẫm nhiều. Bát cháo hành là sự nhân ái, thể hiện tình người quý giá thiêng liêng, làm thay đổi cái nhìn của người khác về một kẻ phạm tội. Ai cũng khinh sợ Chí. Nhưng khi được thị Nở ân cần cho ăn một bát cháo, được nấu bằng tình yêu thật lòng, Chí đã trở lại con người của mình. Đó là một ý nghĩa rất nhân văn. Rằng những kẻ phạm tội rất cần được sự quan tâm của mọi người xung quanh. Đừng coi thường họ.

Có thể họ đang tự ti, xấu hổ, muốn sa vào tội lỗi sâu hơn, nhưng khi được tình cảm chân thành, tâm hồn họ sẽ được cảm động. Trong xã hội hiện nay, có biết bao người đang sống trong lầm lỗi. Đừng chỉ nhìn họ bằng ánh mắt khinh bỉ, ghét bỏ, vì đằng sau những tội ác họ gây ra, chắc chắn còn có một chút lòng tốt. Hãy dùng lòng tốt của mình để làm sống lại lòng tốt của họ. Thị Nở chỉ là một người đàn bà điên, có “nhan sắc trời cho” dù xấu đến nỗi quỷ cũng ghê tởm, thị cũng không giàu có nhưng thị vẫn dành cho Chí một tình yêu thương thiêng liêng. Còn chúng ta thì sao ? Hãy nghĩ đến bát cháo hành, nghĩ đến những điều đã thay đổi trong cuộc đời Chí sau khi được thưởng thức bát cháo ấy.

Nhà văn Nam Cao đã rất tài tình khi xây dựng nên hình ảnh bát cháo hành để người đọc thấy rằng tình người mới là thứ quý nhất, trân trọng nhất. Và tình người là khi không phân biệt giàu nghèo, sang hèn… người phạm tội lại càng cần có tình người hơn. Giống như bát cháo hành đã an ủi cuộc đời Chí, giúp Chí lấy lại được phần người trong con người của mình. Chỉ tiếc rằng, trong xã hội ấy, Chí vẫn chỉ là một người nông dân mang thân phận khốn khổ, vẫn bị chế độ phong kiến đè nén, và Chí đã chọn cái chết để hương cháo hành không bị hoà tan bởi hương rượu nữa…

Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn "Chí Phèo" - mẫu số 2
Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – mẫu số 2

3. Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – mẫu số 3

Người nông dân là đề tài mà các nhà văn hiện thực 1930 – 1945 đã khai thác sâu sắc và thu được nhiều thành công. Nam Cao là người đến muộn khi mà đề tài ấy đã được khám phá, nhưng với tất cả tình yêu, sự cảm thông của mình dành cho những người nghèo khổ – những kẻ bị xã hội ruồng bỏ, Nam Cao đã có được một vị trí riêng. Tác phẩm Chí Phèo – đứa con cuối cùng nhưng không kém cạnh “anh chị” mình trở thành kiệt tác – cao trào của văn học 1930 – 1945. Chí Phèo chiếm được vị trí ấy là bởi giá trị tư tưởng mới lạ, sáng tạo, bởi nghệ thuật viết truyện hấp dẫn, cuốn hút của bút pháp Nam Cao. Và một điều không thể bỏ qua đó là bởi Nam Cao đã xây dựng thành công những chi tiết nghệ thuật độc đáo: bát cháo hành của Thị Nở. Bát cháo hành xuất hiện ở gần cuối thiên truyện.

Chí Phèo sau khi uống rượu nhà Tự Lãng không về lều của mình mà đi thẳng ra bờ sông. Ở đó gặp Thị Nở – người đàn bà điên, xấu xí đến nỗi quỷ cũng ghét, đi kín nước nhưng ngủ quên ở bờ sông. Khung cảnh lãng mạn: trăng soi sáng trên mặt sông, gió thổi mát rượi và những tàu chuối “giãy giụa như có tình”, cùng với hơi men của rượu đã dẫn đến mối tình Chí Phèo – Thị Nở. Sau đêm trăng gió với Thị, Chí bị ốm, Thị Nở thương tình, sau một đêm suy nghĩ, Thị chạy đi kiếm gạo và nấu cháo hành mang sang cho Chí.

Bát cháo hành – biểu tượng của tình người duy nhất còn sót lại nơi làng Vũ Đại thiếu yêu thương. Bát cháo hành có lẽ đối với mỗi người nó chỉ là những thứ nhỏ nhặt, không quan trọng, nhất là khi cháo lại được nấu bởi bàn tay Thị Nở. Cháo ấy có ngon không? Chúng ta không biết, chỉ biết một điều nó chứa đầy tình người. Một tình người rất thật, rất trong sáng, không tính toán mà Thị Nở dành cho Chí. Nó chỉ đơn giản là bởi Thị thấy Chí bị “thổ một cơn khổ” mà không có người chăm sóc, bởi Thị nghĩ ốm như thế thì chỉ có ăn cháo hành. Và rất trong sáng Thị nấu cháo hành mang sang.

Bát cháo hành – vị thuốc giải cảm cho Chí. Sau khi bị ốm, lần đầu tiên Chí tỉnh, lần đầu tiên cảm nhận được cuộc sống, nghe thấy được những âm thanh xung quanh: “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”, “tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”, “tiếng những người đi chợ trò chuyện… Một ước mơ xa xăm của một thời nào Chí thấy như xa lắm. Hắn đã từng mơ có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ vốn nuôi một con lợn. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Trận ốm đã làm cho hắn thoát khỏi cơn say triền miên mà nhận thức được mình, thấy mình đang ở cái dốc bên kia của cuộc đời, biết sợ tuổi già, ốm rét và cô độc. Trận ốm đã làm cho hắn biết sợ – cái mà có lẽ trước giờ chưa bao giờ hắn nghĩ tới. Thị Nở sang cùng bát cháo hành đưa cho hắn.

Nhận bát cháo từ tay Thị mà hắn “ngạc nhiên”. Ngạc nhiên cũng đúng thôi vì “từ trước đến giờ đã ai cho hắn cái gì. Muốn cái gì hắn phải dọa nạt hay cướp giật”. Một cảm xúc khác thay cho cái ngạc nhiên ban đầu “hắn thấy mắt ươn ướt, một chút gì như là ăn năn”. Chí ăn năn về những gì mình đã gây ra, có thể là như lời nhà văn “người ta thường ăn năn về những việc mình làm khi người ta không ác được nữa” nhưng dẫu sao điều ấy là không muộn. Chí ăn cháo hành và thấy “cháo hành ăn rất ngon”. Tình người đầu tiên Chí nhận được sao không ngon cho được. Sự chăm sóc đầy ân tình dẫu chăng còn thô vụng của Thị Nở nhưng vẫn đáng quý biết bao Còn gì quí giá hơn khi người ta ốm còng queo một mình mà lại được một bàn tay chăm sóc. Chí đã khao khát biết bao một bàn tay chăm sóc như thế.

Bát cháo hành – sự chăm sóc, quan tâm vô tư của Thị Nở làm Chí nghĩ tới bà Ba Bá Kiến. Hai người đàn bà quan tâm tới Chí nhưng một người mặt hoa da phấn, áo quần là lượt nhưng tâm địa tà dâm chỉ cốt thỏa mình, còn một người xấu ma chê quỷ hờn nhưng tâm địa tốt, quan tâm Chí thật lòng. Bát cháo hành trên tay hơi nghi ngút làm cho Chí “vã mồ hôi ra như tắm”. Bát cháo tưởng vặt vãnh đã trở thành liều thuốc giải cảm hữu hiệu cho Chí

Bát cháo hành – món ăn giản dị nhưng có ý nghĩa lớn lao. Nó đã cứu sống Chí Phèo khỏi cái chết, nhưng cũng đưa hắn vào cảnh bi đát. Nó đã cho hắn cảm nhận được tình người, nhưng cũng khiến hắn mất đi hy vọng vào cuộc sống. Nó đã thức tỉnh lương tâm của hắn, nhưng cũng không để hắn trở lại con đường tội ác. Nó đã mang lại cho hắn hi vọng hoàn lương, nhưng cũng không cho hắn sống lương thiện.

Bát cháo hành – một biểu tượng nghệ thuật sâu sắc của Nam Cao. Nó phản ánh tư duy nghệ thuật của nhà văn: Con người chỉ cần có lòng tốt, dù là lòng tốt đơn sơ nhất, cũng có thể vượt qua khổ nhục và thoát khỏi kiếp luân hồi. Và cái chết của Chí Phèo thể hiện một niềm tin của nhà văn: Dù bị xã hội và số phận tra tấn đến mức nào, lương thiện trong con người, đặc biệt là những người nông dân, vẫn không bao giờ biến mất, nó chỉ chờ có dịp là sẽ bùng nổ mạnh mẽ.

Bát cháo hành – một chi tiết nghệ thuật mang đầy ý nghĩa của Nam Cao. Nó cho ta thấy một hiện thực đau xót: Đó là những thành kiến làng xã nông thôn đã cướp đi quyền được sống của con người… Qua đó nhà văn cũng kêu gọi một sự thay đổi cấp bách cho xã hội để ít nhất con người được sống lương thiện. Bát cháo hành – chi tiết xuất sắc đã góp phần làm nên “nhà văn lớn” Nam Cao. Tác phẩm kết thúc nhưng âm thanh của tình người trong chi tiết nghệ thuật ấy vẫn còn mãi.

Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn "Chí Phèo" - mẫu số 3
Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – mẫu số 3

4. Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – mẫu số 4

Khi đọc “Chí Phèo” của Nam Cao, tôi luôn tưởng tượng ra một con đường in dấu những bước chân vấp ngã, nổi giận của một Chí Phèo say – tỉnh. Và trên con đường – hành trình đời đầy khổ cực và bi thảm ấy, những khoảnh khắc hạnh phúc, những hành động yêu thương mà Chí được nhận thật hiếm hoi như những giọt nước trên sa mạc bao la. Nhưng dù chỉ là một giọt nước giữa sa mạc đời rộng lớn của Chí thì bát cháo hành của thị Nở vẫn làm nên nhiệm vụ của một nguồn nước mát lành góp phần đánh thức, phục hồi tâm hồn Chí sau bao năm tháng đọa đày trong kiếp sống của con quỷ dữ. Cùng với những ảo ảnh về bi kịch nhân sinh của con người, hương cháo hành thoang thoảng trong “Chí Phèo” mãi mãi còn vang vọng trong hồn người đọc như một biểu tượng của tình cảm nhân đạo sâu sắc đậm đà trong siêu phẩm này.

Hình ảnh “bát cháo hành” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo trong truyện liên quan chặt chẽ với mối tình “đôi lứa xứng đôi” Chí Phèo – thị Nở. Trước khi gặp thị, Chí đã từng là một người nông dân lương thiện, hiền lành như cục đất. Con người ấy dù có tuổi thơ bất hạnh, bị buôn bán như một món hàng nhưng vẫn giữ được những vẻ đẹp tâm hồn cao quý, thiêng liêng của một đời lương thiện, biết phân biệt phải trái, đúng sai, biết tự trọng. Nhưng bàn tay của bọn cường hào phong kiến (mà đại diện là Bá Kiến) và cái nhà tù thực dân không để cho con người hiền ấy sống đời lương thiện. Chúng liên kết với nhau, cướp đi của Chí cả nhân hình, nhân tính của người nông dân lương thiện, để biến anh Chí thành thằng Chí Phèo, biến anh canh điền hiền lành, chăm chỉ thành kẻ lưu manh chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ.

Ở làng Vũ Đại, chỉ có duy nhất một người không sợ hãi Chí Phèo, luôn qua vườn nhà Chí để lấy nước. Đó là thị Nở, một người đàn bà khổ sở, bất hạnh, chịu nhiều thiệt thòi. Nhờ ngòi bút của Nam Cao, ta mới biết được lòng nhân ái của ông. Nếu không có ông, những kẻ bị tha hóa như Chí Phèo, những người đàn bà khốn khổ như Thị Nở sẽ không bao giờ được nếm trải chút hạnh phúc của tình yêu. Họ đã gặp gỡ trong một đêm gió mát, trăng sáng ở vườn chuối bên sông. Những chiếc tàu chuối bị gió thổi bay lên rồi rơi xuống ầm ầm như là tiếng lòng. Khung cảnh lãng mạn đã tạo nên cho họ. Chí Phèo uống rượu ở nhà Tự Lãng đã say từ nửa đường; thị Nở đi lấy nước cũng ngủ gục dưới gốc chuối trong cái gió mát lành. Hai con người kỳ quặc, hai số phận bi thảm đã có một đêm tình yêu đẹp đẽ theo kiểu “Chí Phèo – Thị Nở”. Nhưng Nam Cao không viết mối tình “người – ngợm” này để câu khách rẻ tiền mà để làm nổi bật tình người, tình yêu và sự quan tâm ấm áp của một người đàn bà xấu xí bề ngoài nhưng lại có một trái tim vàng.

Đêm tình ấy khiến thị Nở rung động, suy ngẫm nhiều, đặc biệt là về Chí Phèo, về cơn bệnh của Chí. Thị về nhà sau cuộc tình, sau khi dìu Chí vào nhà và quay qua quẩy lại không thể ngủ được. Thị nghĩ “thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi là hôm nay nhọc nhừ”. Và thị thấy phải cho hắn ăn chút gì mới được, “Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành. Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà”. Thế là vừa sáng thị đã chạy đi tìm gạo để nấu cháo cho Chí. Hành thì nhà thị may lại còn. Nam Cao đã miêu tả chiều sâu tâm lý nhân vật với những rung cảm, nhưng suy tư tinh tế. Tâm lí của thị Nở vừa rất ngô nghê lại vừa sâu sắc. Đó là rung cảm, những tình cảm tha thiết của một người đàn bà, nhất là một người đàn bà đang yêu và muốn chăm sóc cho người yêu của mình. Thị không dở hơi mà ta thấy thị rất lo cho Chí, lo với tình cảm của nhân tình, nhân ngãi, của người làm ơn và cũng là của người chịu ơn.

Thị nghĩ: “mình bỏ hắn lúc này cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau như “vợ chồng”. Tiếng “vợ chồng” thấy ngường ngượng mà thinh thích…”. Thiên tính nữ, thiên chức của người đàn bà thức dậy trong thị. Thị khao khát hạnh phúc, tình yêu như mọi người, dù chỉ là làm vợ của thằng… Chí Phèo. Cho nên bát cháo hành của thị Nở đem cho Chí không chỉ là trách nhiệm mà còn là cả một tấm lòng. Hơn tất cả những người đẹp đẽ ở làng Vũ Đại, thị có một tấm lòng vàng, tấm lòng chân thành và cao cả. Trong thâm tâm của thị, thị lo cho Chí, một nỗi lo thực sự của những người thân yêu dành cho nhau. Thị còn thấy thương Chí: “cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình”. Đồng thời bát cháo ấy còn có lòng yêu, tình yêu: “Thị thấy như yêu hắn: đó là cái lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn”.

Cho nên, thị đem cho Chí nồi cháo hành còn nóng nguyên để hắn ăn cho khỏi ốm. Hơn một chi tiết nghệ thuật, bát cháo hành của Thị Nở đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật, một siêu mẫu trong văn học hiện đại Việt Nam. Bát cháo ấy do thị Nở nấu có thể chẳng mấy ngon nhưng quan trọng nó là tình thương, tình yêu, tình người ấm áp. Nó là sự chăm sóc ân cần mang theo những nỗi lo âu thực sự của tấm lòng thị Nở dành cho Chí. Đặt trong quãng đời dài dặc đầy bi kịch của Chí, trong hoàn cảnh dưới đáy hiện tại của Chí, bát cháo ấy là tình người hiếm hoi mà Chí nhận được, là hạnh phúc tình yêu muộn mằn, quý giá vô ngần mà lần đầu tiên trong đời hắn được hưởng. Hương vị cháo hành – hương vị tình yêu tỏa sáng, vượt lên hoàn cảnh, lên trên mọi định kiến của xã hội. Nó mãi mãi còn thoang thoảng, lan tỏa theo suốt cuộc đời của Chí.

Các dòng văn Nam Cao về Chí Phèo ăn cháo hành là những dòng văn đậm sắc, lay động nhất tác phẩm. Khi nhìn thấy bát cháo hành “Thằng này rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên xong thì hắn thấy mắt như ướt đẫm. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai cho cái gì…”. Chí từ ngạc nhiên chuyển sang xúc động rưng rưng. Đây là lần thứ nhất trong đời hắn khóc sau những năm tháng bị ngục tù và cũng là lần thứ nhất trong đời hắn nhận được một thứ người ta cho, cho không cần tính toán. Hắn không phải dọa dẫm hay cướp bóc mà vẫn có được. Quan trọng, đây là lần đầu tiên trong đời Chí được một người đàn bà quan tâm, chăm sóc, dành tình cảm cho; cũng là lần đầu tiên sau khi ra tù Chí được một con người coi mình như một con người, đối xử với mình theo cách con người dành cho nhau. Và hắn thấy thị có duyên bởi trong mắt kẻ si tình người yêu của mình bao giờ chẳng đẹp, chẳng duyên. Để rồi sau đó, Chí Phèo tỉnh, tỉnh để suy tư, chiêm nghiệm.

Chí thực sự đã tỉnh rượu, đã tỉnh ngộ và ý thức được về cuộc sống sau những tháng năm say sưa, vô tận, say để không biết có sự hiện hữu của mình trên cõi đời. “Hắn thấy vừa vui, vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn”. Chí cảm nhận được tất cả vị thơm ngon của nồi cháo hành: “Trời ơi cháo mới thơm sao! Chỉ khói xông lên mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành rất ngon…”. Hơi cháo hành, bàn tay chăm sóc và tình cảm của thị Nở đã làm cho Chí tỉnh, tỉnh để mà nhận ra mình, nhận thức về những việc mình đã làm. Hơi cháo làm Chí nhẹ người, chí khỏi ốm để ăn năn, sám hối. Hơn lúc nào, Chí cảm thấu tình cảnh thê thảm, bi đát của mình cho nên hắn vừa vui lại vừa buồn. Vui vì tình yêu, hạnh phúc muộn mằn, dù muộn nhưng đã đến; buồn vì thân phận, vì cuộc sống quá loài vật của bản thân.

Cháo hành rất ngon nhưng “tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?”. Hắn hỏi rồi hắn tự trả lời: “có ai nấu cho mà ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa! Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay “đàn bà”. Thê thảm quá! Bi kịch quá! Xót xa muôn phần! Một chút gì như cay đắng nghẹn lòng nữa! Chí nghĩ đến những tháng ngày nhục nhã bị bà ba nhà Bá Kiến – “con quỷ cái” cứ hay gọi hắn đấm lưng, bóp chân “mà lại cứ bắt bóp lên trên, trên nữa”. Hắn thấy nhục chứ sung sướng gì. “Hai mươi tuổi người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt. Người ta không thích những cái người ta khinh …”. Rõ ràng đến đây, Chí hiện lên là một chân dung con người đầy đủ, vẹn toàn có cả quá khứ, hiện tại, có những suy nghĩ sâu xa, những tâm trạng phong phú, ý thức đầy đủ về bản thân. Người nông dân lương thiện trong Chí đang trở về sau những năm tháng dài bị đi đày xa tắp. Nhưng có ai nhận thấy đâu, họa chăng chỉ có thị Nở vì thị thấy chí rất hiền, “ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?”

Bát cháo húp xong, Thị Nở đỡ lấy bát và múc thêm bát nữa. Hắn thấy đẫm bao nhiêu mồ hôi, những giọt mồ hôi to như giọt nước. Chí biết mình đã đến cái dốc bên kia của cuộc đời và chí thấy “thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn sao người khác không thể… Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”. Hạnh phúc chớm nở như hoa hàm tiếu và hy vọng được nhen lên rồi bùng cháy mãnh liệt như ngọn lửa được tiếp ôxi. Chí khao khát cuộc đời lương thiện, muốn làm hòa với mọi người. Thị Nở sẽ là cầu nối, là hy vọng, mở ra cánh cửa của thế giới lương thiện vẫn đóng im ỉm cho Chí. Bát cháo hành của tình yêu, tình người đã làm tươi lại, thanh lọc tâm hồn Chí. Cái ước mơ của Chí rất giản dị mà thiêng liêng, cao cả xiết bao. Nó mang tư tưởng nhân văn sâu sắc, mới mẻ của nhà văn Nam Cao.

Bát cháo hành của thị Nở có thể không đủ đầy, ngon ngọt như chính bản thân nhân vật nhưng nó là bát cháo của tình yêu, của tình người ấm áp, của tình cảm nhân ái sâu đậm và mối quan tâm lâu dài mà Nam Cao dành cho con người, đặc biệt là con người có số phận bi đát. Chính cái giản dị, khiêm tốn ấy là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao giá trị kinh điển cho tác phẩm “Chí Phèo”.

Ngoài Phân tích hình ảnh bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo các em cũng nên tìm hiểu thêm những nội dung khác như Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao hay phần Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo để bổ sung kiến thức cho mình.

Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn "Chí Phèo" - mẫu số 4
Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – mẫu số 4

Xem thêm: Top 6 Bài văn mẫu tả hoa cúc hay nhất

5. Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – mẫu số 5

“Chí Phèo” là một tuyệt phẩm của văn học Việt Nam hiện đại do Nam Cao – nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực và nhân văn – sáng tác. Tác phẩm đã khắc họa một bức tranh bi ai, đau đớn của những con người tốt bụng nhưng nghèo khổ đã bị biến chất cả về thân xác và tâm linh. Đại diện cho những con người ấy chính là nhân vật “Chí Phèo” và những thảm kịch mà hắn gánh chịu, trải qua trong cuộc đời mình.

Trong suốt tác phẩm, người đọc theo dõi từng bước đi của Chí từ một người dân lương thiện bình dị cho đến khi biến thành “con ác quỷ” của làng Vũ Đại và cuối cùng là cái chết dù bi thương nhưng lại là lối thoát tốt nhất khỏi những thảm kịch mà Chí đang sống chịu. Người đọc không thể nào quên được hình ảnh của Chí khi mới ra tù với “cái đầu trọc lốc, răng cạo trắng hớn, mặt đen lại”, “cái ngực phanh ra đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm trùy trông gớm chết”. Từ đó, cuộc đời hắn lầm than trong rượu, trong cơn say hắn đã phạm phải biết bao tội ác, hắn phá hoại hạnh phúc của biết bao nhiêu gia đình, khiến máu và nước mắt của biết bao nhiêu người tốt bụng chảy ra. Ai ngờ cuộc đời hắn sẽ trôi đi trong tội lỗi nhưng rồi ở phần kết của tác phẩm, Chí Phèo đã có ý thức tỉnh ngộ mong muốn được làm người lương thiện, cao trào của mong ước ấy là hành vi xách dao đến nhà bà cô Thị Nở nhưng lại đi thẳng đến nhà Bá Kiến để yêu cầu lương thiện. Khi nhận ra một sự thật tan nát đến mức vô vọng là hắn không thể quay lại làm người lương thiện được nữa thì hắn đã giết Bá Kiến – nguyên nhân chính gây ra mọi bi kịch của cuộc đời Chí và tự sát để thoát khỏi cuộc sống khổ sở hiện tại. Vậy điều gì đã thúc ép Chí hoàn lương? Đó chính là tình yêu của Thị Nở và bát cháo hành của Thị.

Bát cháo hành của Thị Nở tuy đơn sơ, giản dị chỉ có một ít cháo trắng với hành nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với sự sống lại tỉnh táo của Chí. Bát cháo được nấu lên bằng tình yêu thương chân thành, sự thông cảm, hiểu biết của Thị Nở dành cho Chí, chính vì vậy mà nó có sức lay động mạnh mẽ bản chất tốt lành vốn đã bị chôn sâu trong tâm hồn Chí. Nếu như trước đây, hắn chỉ biết uống rượu, rạch mặt, ăn vạ, rồi gây nên biết bao nhiêu tội ác thì giờ đây sau khi ăn bát cháo hành của Thị Nở hắn thấy lòng như trở lại tuổi thơ. Hắn muốn làm nũng với Thị như với mẹ. Chưa bao giờ ta thấy hắn hiền như lúc này…Khi nhận được bát cháo hành từ tay Thị, Chí rất ngạc nhiên, hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình ươn ướt. Vậy là Chí đã khóc, một con người đã lấy đi biết bao nhiêu nước mắt của người khác vậy mà giờ đây chính hắn lại khóc.

Hắn đã rơi lệ, lệ vì đây là lần đầu tiên hắn được người ta tặng, lại được tặng bởi tay một người phụ nữ. Trước kia, chỉ toàn là đi cướp bóc của người khác, hắn nghĩ “xưa nay có thấy ai cho ai cái gì không có lý do”. Hắn nhìn bát cháo nghi ngút mà lơ đãng, vừa vui vừa buồn và một cái gì nữa giống như là hối hận, ăn năn…Và đây cũng là lần đầu tiên Chí nhận ra cái duyên của một người, đó là khi Thị Nở múc cháo “nhìn lén hắn rồi lại cười tươi. Trông Thị thế mà có duyên”. Nhìn Thị hắn nhớ lại quá khứ khi mà hắn phải chăm sóc cho bà ba, phải làm những việc xấu xa hắn thấy xấu hổ hơn là thích. Bát cháo hành của Thị Nở có sức mạnh thật kì diệu, nó đã khiến cho một người như Chí phải suy nghĩ: “Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây thù?”.

Cùng lúc đó, bát cháo ấy đã phục hồi sức khỏe cho hắn bởi vì hắn càng ăn mồ hôi lại càng ra nhiều. Và dĩ nhiên, điều này rất tốt đối với một người bị cảm gió như hắn. Tuy chỉ là bát cháo hành bình dân thôi nhưng nó đã giúp Chí khỏi bệnh, hắn thấy bát cháo mới ngon lành biết bao, những người suốt đời không ăn cháo hành sẽ không biết rằng cháo hành ăn rất ngon…nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo, tự hỏi để rồi tự mình trả lời. Đó chính là bởi vì đời hắn chưa bao giờ được quan tâm bởi tay một người đàn bà. Sự gặp gỡ với Thị Nở như là một điều kì diệu đối với Chí, hình ảnh của Thị giống như một vị cứu tinh trong cuộc đời u ám, say triền miên với những chuỗi dài bi kịch của Chí Phèo. Điều đặc biệt hơn, đây là tình cảm quý giá giữa những con người có cảnh ngộ khốn cùng. Tình yêu thương, sự đồng cảm của Thị Nở cùng bát cháo hành như một liều thuốc đã kéo Chí ra khỏi hàng loạt những bi kịch của cuộc đời, giúp Chí tìm lại được chính bản chất lương thiện của mình vốn từ lâu đã bị vùi lấp trong sâu thẳm tâm hồn Chí, nay bỗng được tái hiện như một tia sáng trong cuộc đời tăm tối của Chí Phèo.

Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn "Chí Phèo" - mẫu số 4
Bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” – mẫu số 5

Xem thêm: Top 10 Bài văn tả em bé đáng yêu và hay nhất

Lời kết

Nhìn chung, Bát cháo hành là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Bát cháo hành là biểu tượng của tình yêu thương, sự quan tâm, sự thông cảm và sự hiểu biết của Thị Nở dành cho Chí Phèo. Thị Nở là người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời Chí Phèo đã cho hắn cảm giác được yêu thương và được sống như một con người. Bát cháo hành là nguồn cảm hứng để Chí Phèo có những hành động quyết đoán và dũng cảm trong phần cuối của tác phẩm. Trên đây là 5 bài văn phân tích hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo”, với đầy đủ nội dụng và thể hiện rõ tính nghệ thuật của hình ảnh này nhất. Hy vọng những bài văn này sẽ giúp bạn có thêm tài liệu và hiểu rõ hơn về hình ảnh bát cháo hành. Chúc các bạn học tốt.